[tintuc]
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý với dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo Luật Đất đai 2024, trong đó đề xuất quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất, việc tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...Về quy định tính tiền sử dụng đất khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) cho hộ gia đình, cá nhân, theo Bộ Tài chính, Luật Đất đai năm 2024 có quy định về cấp giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất trong các trường hợp có hoặc không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định; có nguồn gốc vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014; có nguồn gốc được giao không đúng thẩm quyền; theo đó có quy định về một số trường hợp phải nộp nghĩa vụ tài chính về đất đai khi được cấp giấy chứng nhận.
Do vậy, tại các Điều 9, 10, 11, 12 của dự thảo Nghị định quy định cụ thể mức thu của từng trường hợp được cấp giấy chứng nhận theo quy định tại Luật Đất đai theo hướng kế thừa quy định về mức thu tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 2013.
Tuy nhiên có điều chỉnh lại cho cân đối giữa các trường hợp sử dụng đất theo thời gian sử dụng đất và nguồn gốc đất; giá đất tính thu tiền sử dụng đất là giá đất trên bảng giá đất theo quy định tại Luật Đất đai.
Riêng đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống trước ngày 18/12/1980 thì được công nhận diện tích đất ở bằng 1 lần hạn mức công nhận đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất khi được cấp giấy chứng nhận đối với diện tích đất này.
Khi được cấp giấy chứng nhận đối với phần diện tích đất vượt hạn mức công nhận đất ở của thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống thì theo quy định tại khoản a khoản 1 Điều 138 Luật Đất đai năm 2024 phải nộp tiền sử dụng đất.
Tuy nhiên, Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp này được công nhận diện tích đất ở bằng 5 lần hạn mức giao đất ở và không phải nộp tiền sử dụng đất.
Qua nghiên cứu mức thu tại các văn bản trước đây, Bộ Tài chính cho rằng, để cân đối mức thu đối với trường hợp này, tại điểm a khoản 1 Điều 9 dự thảo nghị định quy định: “Đối với phần diện tích đất vượt hạn mức công nhận đất ở của thửa đất có nhà ở, nhà ở và công trình phục vụ đời sống theo quy định tại khoản a khoản 1 Điều 138 Luật Đất đai thì người sử dụng đất phải nộp 20% tiền sử dụng đất tính theo giá đất ở”.
Ngoài ra, Luật Đất đai 2024 đã bỏ khung giá đất, quy định bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí hoặc xây dựng đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn, mở rộng các trường hợp áp dụng bảng giá đất để tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai.
Do vậy, tại dự thảo nghị định căn cứ các trường hợp được cấp giấy chứng nhận; đồng thời căn cứ các quy định hiện hành để cân đối các mức, tỷ lệ (%) thu tiền sử dụng đất cho phù hợp, đảm bảo mục tiêu giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất và đảm bảo an sinh, xã hội....
Quy định mới về miễn, giảm tiền thuê đất
Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Nghị định này đó là quy định về miễn, giảm tiền thuê đất.
Bộ Tài chính cho biết, về nguyên tắc miễn, giảm tiền thuê đất, tại Luật Đất đai năm 2024 không quy định cụ thể thế nào là miễn tiền thuê đất, thế nào là giảm tiền thuê đất.
Tuy nhiên, xuyên suốt quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai và thể hiện ở nội dung thiết kế các điều về các trường hợp phải thực hiện đấu giá, đấu thầu dự án có sử dụng đất đều thể hiện nguyên tắc miễn tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền thuê đất cho cả thời gian thuê, còn lại là giảm tiền thuê đất.
Do đó, tại điều 39, điều 40 dự thảo nghị định quy định về miễn, giảm tiền thuê đất dựa trên nguyên tắc: (i) Miễn tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp tiền thuê đất cho cả thời gian thuê; (ii) Giảm tiền thuê đất là cho phép người sử dụng đất không phải nộp một số tiền cụ thể tính bằng tỉ lệ (%) tiền thuê đất phải nộp.
Về các trường hợp miễn tiền thuê đất, tại khoản 1, khoản 2, điều 157 Luật Đất đai năm 2024 quy định cụ thể các trường hợp được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; đồng thời quy định thẩm quyền của Chính phủ quy định các trường hợp khác được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa được quy định tại khoản 1 điều 157 sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì vậy, tại dự thảo nghị định quy định cụ thể các trường hợp miễn tiền thuê đất; thiết kế các mức giảm tiền thuê đất theo lĩnh vực ưu đãi đầu tư, địa bàn ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư về cơ bản tương đồng với mức quy định hiện hành tại nghị định số 46/2014/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 135/2016/NĐ-CP, nghị định số 123/2017/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, tại điều 157 Luật Đất đai năm 2024 chỉ có quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư hoặc tại địa bàn ưu đãi đầu tư (không phân biệt đối với lĩnh vực xã hội hóa như Luật Đất đai năm 2013).
Do vậy, tại các điều 39, điều 40 dự thảo nghị định chỉ có quy định chung về các mức ưu đãi miễn, giảm tiền sử dụng đất đối với dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn ưu đãi đầu tư mà không xây dựng ưu đãi riêng đối với dự án sử dụng đất xây dựng công trình công cộng có mục đích kinh doanh (xã hội hóa).
Ngoài ra, tại khoản 6, điều 50 quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với tiền sử dụng đất, khoản 14, điều 51 quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với thu tiền thuê đất quy định bãi bỏ quy định về ưu đãi miễn, giảm tiền thuê đất đối với dự án thuộc lĩnh vực xã hội theo quy định tại Nghị định số 69 ngày 30/5/2008 và Nghị định số 59 ngày 16/6/2014 của Chính phủ.