[tintuc]


I. Những điều cần lưu ý khi tìm thuê mặt bằng

1.  Xác định mục đích kinh doanh

Trước khi tìm kiếm một vị trí để làm mặt bằng kinh doanh bạn cần xác định mình sẽ kinh doanh cái gì (thời trang, ẩm thực, đồ gia dụng, mỹ phẩm,…).

Từ đó xác định đối tượng bạn muốn hướng tới để đưa ra quyết định lựa chọn một vị trí thuận lợi, một địa điểm lý tưởng bằng kinh doanh.

2.     Khảo sát địa điểm cần thuê thật kỹ

Khảo sát thật kỹ địa điểm đó xem có phù hợp hay không? giao thông thuận lợi không? có lượng khách hàng tiềm năng cho việc kinh doanh hay không? có đảm bảo an ninh hay không?…

Không gian phải rộng rãi, phù hợp với mục đích kinh doanh, để bạn dễ dàng bài trí, sắp xếp đồ đạc, ánh sáng…, đặc biệt phải có chỗ để xe thoải mái, an toàn. Khách hàng chẳng ai muốn tới cửa hàng bạn mà phải mất thời gian đi gửi xe ở xa cửa hàng bạn hay để ở nơi chật chội, không an toàn.

3.    Chọn lọc mặt bằng phù hợp với mức chi phí đã đề ra

Bước này yêu cầu tiêu chí kinh doanh rõ rang của nhà đầu tư. Một vài tiêu chí điển hình như : diện tích, chiều ngang mặt bằng, ngân sách thuê hằng tháng, mặt tiền hay hẻm. Khoanh vùng những vị trí mà bạn nắm rõ và thấy phù hợp trước khi đi xem để đỡ mất thời gian.

4. Cách thương lượng

Dành thời gian để thương lượng và cho chủ nhà có thời gian suy nghĩ về giá của mình đưa ra. Không nên thuê ngay, hoặc không trả giá sẽ bị hớ hoặc chủ nhà nghĩ họ đang cho thuê rẻ. Giữ hòa khí với chủ nhà để tiếp tục kinh doanh ổn định. Nếu mặt bằng giá quá cao so với mục tiêu thì nên kiếm mặt bằng khác, không nên cố.

5. Đảm bảo pháp lý

Tìm hiểu rõ phát luật cũng như các nguyên tắc kinh doanh tại nơi mà bạn có ý định thuê mặt bằng kinh doanh.

Vị trí đó không nằm trong khu quy hoạch, không có tranh chấp, hệ thống cơ sở hạ tầng như giao thông, internet, đường ống nước phải được đảm bảo. Điều này sẽ giúp bạn tránh được các nguy cơ, rắc rối có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của mình.

6. Hợp đồng rõ ràng, chi tiết

Thông thường chủ cho thuê mặt bằng sẽ yêu cầu ký hợp đồng và đóng tiền dài hạn. Bạn cần trao đổi, thỏa thuận thật kỹ với chủ nhà về giá cả, dịch vụ, lĩnh vực bạn sẽ kinh doanh để đảm bảo mọi quyền lợi tốt nhất cho việc kinh doanh cũng như không phải mất những khoản phí phát sinh khiến cho chi phí thuê mặt bằng tăng lên chóng mặt.


II. Những điều cần lưu ý khi lập hợp đồng thuê mặt bằng

1. Chủ thể ký Hợp đồng

Trường hợp tài sản đứng tên hai vợ chồng thì phải do cả hai vợ chồng cùng ký tên vào, trường hợp một người ký thì phải có ủy quyền có công chứng hoặc chứng thực của Cơ quan Nhà nước.

Trường hợp tài sản của một người thì phải có một trong các giấy tờ chứng minh như: giấy xác nhận độc thân, văn bản xác nhận tài sản riêng, văn bản chứng minh được thừa kế riêng, được tặng cho riêng.

2. Chi phí thuê mặt bằng

Nhiều hợp đồng thuê đưa ra giá thuê nền chung tính theo mỗi mét vuông. Mức giá này có thể gây nhầm lẫn. Đôi khi nó bao gồm cả những khoảng trống không sử dụng được, chẳng hạn như hành lang và thang máy.

Đôi khi một không gian nhỏ hơn một chút với giá tính trên mét vuông cao hơn một chút lại có thể hiệu quả hơn cho doanh nghiệp của bạn, vì không gian đó được bố trí hợp lý hơn và có giá trị sử dụng cao hơn.

Rất nhiều người tập trung vào số tiền thuê đến mức không chú ý đến việc họ được hưởng những gì với số tiền bỏ ra.

3. Các điều khoản cần chú ý trong hợp đồng

Cần chú ý với cả các điều khoản không liên quan đến tiền nong. Chẳng hạn chủ nhà có yêu cầu không được động chạm, thay đổi kết cấu mặt bằng, không được chia sẻ mặt bằng kinh doanh, phải sử dụng tiết kiệm điện nước, không gây ồn ào….Những điều khoản này sẽ gây nhiều phiền toái, ảnh hưởng tới việc kinh doanh của bạn.

4. Tiền đặt cọc

Thông thường các Hợp đồng thuê nhà đất đều có điều khoản đặt cọc và bên thuê phải đặt cọc cho bên cho thuê một khoản tiền đặt cọc để cam kết thực hiện Hợp đồng.

Đối với Bên cho thuê thì nên quy định số tiền đặt cọc này đủ để có thể sửa chữa, khắc phụ những hư hỏng do bên thuê cho thể gây ra hoặc dài hơn thời gian mà bên thuê vi phạm nghĩa vụ thanh toán để bên cho thuê đơn phương chấm dứt hợp đồng mà vẫn không hết số tiền đã đặt cọc.

Còn đối với Bên thuê thì khoản tiền đặt cọc này để đảm bảo rằng khi bên cho thuê muốn lấy lại nhà đất thì phải trả lại gấp đối số tiền đặt cọc này. Nhưng có thể số tiền mà bên thuê đầu tư vào cơ sở vật chất của nhà đất cao hơn số tiền đặt cọc thì bên thuê phải giải quyết như thế nào?

5. Công chứng, chứng thực Hợp đồng

Hiện nay, pháp luật không có quy định bắt buộc phải công chứng, chứng thực các Hợp đồng cho thuê Nhà hoặc cho thuê quyền sử dụng đất, mà việc công chứng, chứng thực là tự nguyện và theo yêu cầu của một/các bên. Vì thế các Hợp đồng thuê nhà đất có thể được các bên ký tay với nhau, nghĩa là mua một mẫu hợp đồng ở tiệm photo hoặc tìm một mẫu hợp đồng trên mạng rồi in thì có thể ghi đầy đủ thông tin chủ thể, nhà đất,… và tiến hành ký tên thì sẽ có hiệu lực.

Do pháp luật không yêu cầu công chứng, chứng thực đối với các Hợp đồng thuê nhà đất nên trường hợp các bên tự thực hiện không có người hướng dẫn thì cần phải nắm rõ một số thỏa thuận để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của mình cho thật tốt. Còn nếu để an toàn thì nên nhờ luật sư tư vấn thêm.

6. Bàn giao hiện trạng nhà, tài sản, trang thiết bị hiện có trong căn nhà

Đây là điều khoản mà các bên hay không quan tâm nhưng dễ dẫn đến tranh chấp nhất. Bạn thử hình dung thuê một ngôi nhà trong 3-5 năm hoặc lâu hơn để kinh doanh hoặc làm văn phòng thì thông thường có những sửa chữa nhỏ, có khi có những sửa chữa khá lớn. Đặc biệt là đối với những căn nhà mới xây, khá đầy đủ tiện nghi thì hai bên phải thỏa thuận rõ những hiện trạng về nhà, tài sản, trang thiết bị trong nhà để khi hết thời hạn thuê nhà bàn giao lại thì các bên không có tranh chấp, bên cho thuê tránh được những thiệt hại do bên thuê gây ra và bên thuê tránh được việc bên cho thuê yêu cầu bồi thường những tài sản do hao mòn tự nhiên hoặc những yêu cầu không có cơ sở. Trong trường hợp này cách tốt nhất là các bên lập một phụ lục Hợp đồng về việc bàn giao nhà, tài sản, trang thiết bị của căn nhà cho thuê.

[/tintuc]